Nếu bạn thường xuyên bị ngứa da, cũng đừng quá lo lắng vì đây là vấn đề về da phổ biến nhất Nếu bạn bị ngứa da, bạn không đơn độc. Có quá nhiều thứ có thể làm cho da bạn bị ngứa, từ bệnh ngoài da cho đến các yếu tố bên ngoài môi trường. Trong bài viết này chúng ta sẽ khám phá 10 nguyên nhân ngứa da, đồng thời chúng tôi cũng giúp bạn đưa ra cách giảm ngứa tốt nhất cho bạn.
Nếu bạn đang ngứa và thắc mắc tại sao mình ngứa thì đừng bỏ qua bài viết của chúng tôi. Chắc chắn bạn sẽ tìm được câu trả lời cho tình trạng ngứa da của mình.
Nguyên nhân ngứa da phổ biến nhất chính là do da khô và bong tróc. Da khô chỉ đơn giản là da bị mất nước, thiếu ẩm. Khi da mất đi độ ẩm sẽ kém đàn hồi và không còn linh hoạt như trước, chúng sẽ khó chống chọi với những tác nhân bên ngoài môi trường cũng như khó được chữa lành hơn. Khi da của bạn bị khô, nó có thể bị kích ứng và ngứa. Nó dễ bị tổn thương và dễ nhiễm trùng, và có thể khó điều trị hơn.
Hơn nữa, làn da khô của bạn có thể sẽ bị bong tróc và thô ráp hoặc xuất hiện vảy, thậm chí nứt và chảy máu. Bạn sẽ có cảm giác da căng, đặc biệt sau khi bạn tắm.
Có nhiều nguyên nhân khiến da của bạn khô như: độ ẩm không khí quá thấp, sử dụng các loại xà phòng và chất tẩy mạnh, tác dụng của thuốc trị mụn hoặc thuốc huyết áp.
Chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu chi tiết những tác nhân gây khô da:
Thời tiết khô hanh và lạnh giá là thủ phạm hàng đầu khiến da bạn mất nước, khô và nứt nẻ. Đặc biệt vào mùa đông, nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp. Bạn có thể nhận thấy môi, má và chân tay đều trở nên thô ráp, bong tróc.
Để giúp giữ ẩm cho da trong mùa đông, bạn nên mặc ấm, sử dụng thêm máy tạo độ ẩm phun sương hoặc đặt một chậu nước ở trong nhà để làm ẩm không khí. Ngoài ra bạn cần sử dụng thêm kem dưỡng ẩm toàn thân hoặc kem nẻ để làm dịu cảm giác ngứa ngáy, đau rát.
Không chỉ thời tiết khô hanh mới làm cho da bạn khô và mất nước. Khi bạn không cung cấp đủ nước cho cơ thể, da bạn cũng sẽ bị mất nước và trở nên khô và thô ráp.Chúng ta thường bị thiếu nước do vận động nhiều, thời tiết nắng nóng gây đổ mồ hôi nhiều mà không bổ sung đủ nước. Cũng giống như đất đai gặp nắng hạn, da chúng ta sẽ khô và nứt nẻ gây ngứa ngáy khó chịu.
Nếu bạn cảm thấy mình có thể đang bị mất nước, hãy bổ sung lượng chất lỏng cần thiết cũng như tạo thêm độ ẩm cho không gian nhà bạn.
Các loại xà phòng và chất tẩy rửa mạnh đều khiến lớp dầu tự nhiên trên da bạn bị lấy đi và làm cho da trở nên khô, dễ bị kích ứng hơn. Để tránh da bị khô, tốt nhất bạn nên sử dụng sữa tắm và dầu gội thảo dược dịu nhẹ. Các sản phẩm từ tự nhiên bao giờ cũng lành tính, không những giữ ẩm tốt cho da mà còn giúp phòng tránh một số bệnh ngoài da.
Khô da có thể là một trong những tác dụng phụ của thuốc bạn uống bao gồm: thuốc trị mụn, thuốc dị ứng, thuốc huyết áp. Nếu tình trạng khô da quá nghiêm trọng, bạn nên đề nghị bác sĩ đổi thuốc phù hợp hơn với da của bạn.
Dù da bạn bị khô bởi lý do gì thì bạn cũng cần đảm bảo cung cấp đủ nước, thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm, tắm bằng sữa tắm thảo dược để điều trị và phòng ngừa da khô trở lại.
Ngứa cũng có thể do dị ứng gây ra. Khi bạn bị dị ứng với một thứ gì đó, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tấn công lại thứ đó mặc dù nó thật sự vô hại. Phản ứng dị ứng chủ yếu là phát ban, mẩn ngứa, sưng tây hoặc gây ra một số triệu chứng sốc phản vệ.
Bạn có thể bị ngứa do dị ứng với thức ăn, bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng, thời tiết…Tuy nhiên, nếu biết rõ điều gì là nguyên nhân ngứa da thì bạn có thể tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng để hạn chế nguy cơ bị ngứa ngáy hoặc gặp phải các triệu chứng dị ứng khác.
Ví dụ nếu bạn bị dị ứng với bụi, bạn nên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa bằng máy hút bụi thay vì chổi, đồng thời bạn cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Còn nếu bạn bị dị ứng bởi lông chó mèo, tốt nhất nhà bạn không nên nuôi thú cưng và cũng không nên tiếp xúc với chó, mèo bên ngoài.
Khi bạn bị dị ứng, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc kháng histamin và điều quan trọng là bạn cần tránh các tác nhân gây dị ứng. Nếu bạn không biết chắc chắn nguyên nhân dị ứng của mình thì hãy tới bệnh viện để làm những thử nghiệm xác định chất gây dị ứng để có cách điều trị tốt nhất. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn ghi lại nhật ký hàng ngày cũng như triệu chứng xuất hiện để thu hẹp phạm vi nguyên nhân gây dị ứng.
Có lẽ nổi mề đay là một trong những nguyên nhân ngứa kinh khủng nhất và có thể xảy ra trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Những người nổi mề đay thường gãi rất nhiều và khó kiểm soát được cơn ngứa. Nổi mề đay do nhiều lý do, có thể do virus, do căng thẳng và có thể đây là kết quả của phản ứng dị ứng…
Tốt nhất bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân mỗi khi mình bị nổi mề đay để tránh bị kích hoạt phản ứng dị ứng. Khi bạn bị nổi mề đay, việc đầu tiên là loại bỏ yếu tố ra phản ứng và sử dụng thuốc kháng histamin theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguyên nhân ngứa da tiếp theo được chúng tôi nói đến là bệnh chàm. Chàm chính là bệnh viêm da dị ứng gây ra các mảng da khô, mẩn đỏ và đặc biệt ngứa rất khó chịu. Bệnh nhân bị chàm có thể gãi đến chảy máu. Tuy bệnh chàm không lây nhưng đây là bệnh có yếu tố di truyền.
Bệnh chàm không thể chữa khỏi, tuy nhiên bạn có thể kiểm soát các triệu chứng cũng như phòng tránh kích hoạt các đợt bùng phát. Cách tốt nhất để phòng tránh những cơn ngứa do chàm là giữ ẩm cho da và làm dịu làn da đang khô, nứt nẻ bằng các cách chúng tôi đã nêu ở trê, đồng thời bạn cũng cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng histamin cũng như kem bôi để điều trị cơn ngứa tạm thời, tránh để phát triển thành chàm bội nhiễm.
Bài viết liên quan: Nước tắm thảo dược cho trẻ bị chàm sữa
Bệnh vảy nến nhìn có vẻ giống bệnh chàm nên người ta thường nhầm lẫn hai bệnh này với nhau. Vảy nến cũng là một bệnh mãn tính và trên da cũng xuất hiện các mảng màu đỏ nhưng có vảy. Vảy nến là một bệnh tự miễn và việc điều trị vảy nến đều với mục đích giảm ngứa cho người bệnh. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn uống thuốc kháng histamin, thuốc bôi ngoài da và liệu pháp chiếu tia cực tím.
Cũng như bệnh chàm, tốt nhất bạn nên giữ ẩm cho da và hạn chế gãi tối đa, tránh da bị chảy máu và nhiễm trùng.
Ngứa cũng là triệu chứng phổ biến khi bạn bị côn trùng cắn hoặc đốt như: muỗi, rệp, bọ chét, bọ gậy, bọ hung…và bạn có thể ngứa dữ dội, đặc biệt khi cơ thể bạn dị ứng với nọc độc của chúng.
Cũng như các bệnh ngoài da gây ngứa khác, để giảm ngứa do côn trùng cắn hoặc đốt bạn cũng có thể được bác sĩ kê thuốc kháng histamin đồng thời kết hợp chườm lạnh. Nếu bạn thấy các triệu chứng của sốc phản vệ, hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất.
Ghẻ có lẽ là căn bệnh mà thế hệ cha, mẹ chúng ta hiểu rõ nhất. Trước đây do điều kiện vệ sinh kém nên bệnh ghẻ phát triển và lây lan mạnh mẽ. Bệnh ghẻ do con ghẻ – đây là một loại ký sinh trùng gây cảm giác ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm.
Thật sự kinh khủng khi nghĩ đến có con gì đó bò trong da của bạn, tuy nhiên bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi. Điều quan trọng là bạn cần bôi thuốc toàn bộ cơ thể và giặt giũ sạch sẽ quần áo, ga giường, gối,…
Nếu bạn bị ngứa, hãy cứ tới gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân ngứa da chính xác và điều trị kịp thời.
Một số cây cỏ tuy có rất nhiều lợi ích trong cuộc sống của chúng ta nhưng lại có thể khiến bạn bị ngứa và phát ban. Ví dụ: cây sồi, cây thù du, cây thường xuân…
Nếu bạn không may tiếp xúc với dầu của những cây này, hãy nhớ tắm và giặt sạch sẽ quần áo của bạn bằng xà phòng càng nhanh càng tốt mặc dù lúc đó bạn chưa cảm thấy ngứa. Phản ứng dị ứng thường xuất hiện sau 12-48 giờ và kéo dài đến hàng tuần.
Nếu bạn có dấu hiệu của sốc phản vệ, hãy tới cơ sở y tế ngay lập tức.
Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn mà còn khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy. Điều này xảy ra bởi khi căng thẳng, cơ thể bạn sản sinh ra nhiều histamin hơn và chúng gây mẩn ngứa. Căng thẳng cũng là tác nhân khiến cho bệnh chàm, vảy nến trầm trọng hơn và chúng làm cho bạn ngứa thực sự.
Nếu bạn đang căng thẳng, hãy thư giãn và tìm kiếm một bồn nước để ngâm tắm thảo dược hoặc tập thiền, tập yoga hay làm bất kỳ điều gì bạn cảm thấy thích. Bạn cũng có thể tìm gặp các bác sĩ tâm lý để giúp bạn loại bỏ bớt lo âu và căng thẳng.
Khi bạn ngứa, bạn muốn gãi và bạn nghĩ rằng gãi sẽ khiến bạn hết ngứa. Không may, gãi lại chính là thủ phạm nguy hiểm nhất khiến cơn ngứa của bạn càng trở nên tồi tệ. Bạn càng gãi càng ngứa và thậm chí bạn cảm thấy mình như phát điên lên vì ngứa.
Gãi thật tệ hại bởi bạn sẽ làm đau chính mình, làm trầy xước da và tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngứa – gãi – ngứa là một vòng luẩn quẩn. Chính vì thế khi bị ngứa bạn cần tìm cách quên đi.
Khi đọc đến đoạn cuối bài viết này, bạn chắc hẳn thấy rằng có quá nhiều nguyên nhân ngứa da tiềm ẩn. Và điều quan trọng là bạn cần biết rõ vì sao mình ngứa để phòng tránh điều đó xảy ra. Nếu bị ngứa nghiêm trọng, bạn cần tới gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân để phòng tránh cho lần sau đồng thời tìm cách điều trị phù hợp.