Tháng Năm 1, 2023

618 Lượt xem 0 Bình luận

Xơ gan là bệnh lý nguy hiểm đặc trưng bởi tình trạng các tế bào gan bị tổn thương nhưng không có khả năng phục hồi và từ đó hình thành sẹo trong gan. Hiện nay, không có phương pháp để điều trị dứt điểm bệnh xơ gan. Chúng ta chỉ có thể điều trị các triệu chứng để làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp y tế, việc chăm sóc bệnh nhân xơ gan đúng cách tại nhà là hoàn toàn cần thiết.

Nhận định tình trạng bệnh nhân

Trước tiên, người nhà cần trao đổi với bác sĩ để biết tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh. Xơ gan có hai giai đoạn chính, đó là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Với mỗi giai đoạn, người bệnh cần được chăm sóc bằng những biện pháp phù hợp. Điều đó sẽ giúp cải thiện được tình trạng sức khỏe cũng như ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của bệnh.

Thực hiện chăm sóc bệnh nhân xơ gan

2.1 Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bệnh nhân xơ gan

Chế độ ăn hợp lý cho bệnh nhân xơ gan cần phải đáp ứng được những điều sau:

  • Lượng calo nạp vào hàng ngày phải đạt khoảng 2500 – 3000 kcalo.
  • Bổ sung các vitamin, chất khoáng cần thiết, ăn những thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh và hoa quả. Những chất này rất cần thiết để làm giảm áp lực lên gan và giảm tích tụ cholesterol trong cơ thể.
  • Ăn những thức ăn giàu chất đạm nhưng ít chất béo như thịt ức gà, cá, trứng và các loại hạt, sữa hạt. Tuy nhiên, hãy hạn chế đạm ở những bệnh nhân đang ở giai đoạn xơ gan mất bù. Bởi đây là yếu tố nguy cơ gây nên biến chứng hôn mê gan và não gan.
  • Cần giới hạn lượng đường, muối và dầu mỡ hàng ngày nạp vào cơ thể. Kiêng tuyệt đối những sản phẩm chứa cồn và các chất kích thích gây hại cho gan.
  • Lượng nước cần thiết nạp vào cơ thể là 1,5 – 2 lít/ ngày để giúp gan được thải độc.
  • Nên chia nhỏ bữa ăn cho bệnh nhân để giảm áp lực cho gan và tiêu hóa.
  • Xem thêm các thực phẩm bổ sung tốt cho bệnh nhân xơ gan Tại đây

chế độ dinh dưỡng cho BN xơ gan

Tối ưu hóa dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan bằng thực phẩm lành mạnh

2.2 Xây dựng chế độ sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh

Không chỉ quan tâm về bữa ăn hàng ngày, chế độ sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của người bệnh cũng rất quan trọng.

  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi, tránh lao động cực nhọc, đặc biệt khi có phù và cổ trướng.
  • Khi ngủ nên kê chân lên để tránh bị phù chân.
  • Luôn giữ cho tâm trạng của người bệnh được thoải mái.
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
  • Chỉ nên vận động nhẹ nhàng hàng ngày để mạch máu được lưu thông.
  • Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ để giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không sử dụng tùy tiện các loại thuốc khác.
  • Phải báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng chán ăn và chậm tiêu để có biện pháp nuôi dưỡng kịp thời.

2.3 Điều trị phù và cổ trướng

Khi bệnh nhân có các triệu chứng phù và cổ trướng, có thể thực hiện các việc sau:

  • Sử dụng thuốc lợi tiểu theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Để bệnh nhân hạn chế vận động và nghỉ ngơi tại chỗ.
  • Cắt bỏ hoàn toàn lượng muối ra khỏi thực đơn hàng ngày khi có phù nhiều.
  • Có thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện để chọc lấy dịch.

2.4 Theo dõi và điều trị biến chứng xuất huyết tiêu hóa

Biến chứng tiêu hóa là biến chứng khá phổ biến ở những bệnh nhân xơ gan. Khi bệnh nhân có những biểu hiện như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,… hãy thực hiện các việc sau:

  • Gọi cấp cứu ngay lập tức.
  • Dừng việc cho bệnh nhân ăn bằng miệng.
  • Để bệnh nhân được nghỉ ngơi tuyệt đối, kê cao đầu.
  • Giữ cho cơ thể bệnh nhân luôn ấm.
  • Truyền máu, truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ để nuôi dưỡng người bệnh.

2.5 Theo dõi và điều trị biến chứng hôn mê gan

Đây là biến chứng gặp do tích tụ chất độc trong cơ thể do gan bị suy giảm chức năng thải độc. Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như hôn mê, lờ đờ, lú lẫn, khó tập trung hay co giật. Lúc này, người nhà hãy đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

2.6 Giáo dục sức khỏe

Ngoài việc chăm sóc, người nhà cũng cần giáo dục cho bệnh nhân những việc nên làm và không nên làm để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, cụ thể là:

  • Nghỉ ngơi khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển.
  • Bỏ hoàn toàn các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…
  • Cắt giảm lượng đường và dầu mỡ, bỏ hoàn toàn muối ra khỏi thực đơn khi có triệu chứng phù và cổ trướng.
  • Tự theo dõi sức khỏe bản thân và báo ngay cho người nhà hoặc bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường.

giáo dục sức khỏe và chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân

Chú trọng việc giáo dục sức khỏe và chăm sóc bệnh nhân xơ gan cả về tinh thần

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích phần nào cho các bạn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người nhà cũng như cho chính bản thân mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *