Tháng Năm 16, 2021

1357 Lượt xem 0 Bình luận

Bạn đang cố gắng để giúp đỡ người thân của mình không may mắc bệnh Parkinson. Đó có thể là bố, mẹ, chồng, vợ, anh, chị của bạn. Dù là ai đi nữa thì điều này cũng đưa bạn đi qua một quãng đường dài đầy gian nan.

Đối với hầu hết chúng ta, không ai có khả năng bẩm sinh để chăm sóc cho một người khác. Chúng ta cần thời gian để tìm hiểu cách nào tốt nhất cho người thân khi họ phải đối mặt với một căn bệnh mãn tính và có tiến triển xấu đi như bệnh Parkinson.

Đó chính là lý do bạn cần phải đọc tiếp bài viết này. Trong bài viết, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những cách làm hiệu quả để giúp bạn chăm sóc người thân mắc bệnh Parkinson được tốt hơn.

1. Hãy thành thật với bệnh nhân Parkinson của bạn

Một sai lầm thường xảy ra đối với một người chăm sóc bệnh nhân có thể mắc phải chính là khi bạn tự biến mình thành “y tá” còn người thân của bạn trở thành “bệnh nhân” không nơi nương tựa.

Điều này không hiệu quả và có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý của người bệnh cũng như của chính bạn. Hãy cứ là bạn, hãy cứ cởi mở để trò chuyện về sức khỏe với người thân yêu của bạn. Hãy chăm sóc bệnh nhân Parkinson của bạn bằng tình yêu bạn dành cho họ. Đừng quên thỏa thuận với người thân của bạn những thời điểm họ thật sự cần bạn giúp đỡ.

2. Tự nâng cao kiến thức bản thân về căn bệnh Parkinson

Bạn cần tìm hiểu các tài liệu đáng tin cậy có thể giúp bạn hiểu rõ căn bệnh này và khả năng tiến triển của nó. Bạn có thể lên mạng, vào thư viện đọc sách hoặc tham gia các nhóm chăm sóc bệnh nhân Parkinson để mở rộng hiểu biết của mình.

Điều rất quan trọng là phải có được thông tin chính xác vì Parkinson là một bệnh phức tạp và những giải pháp hiệu quả với người này có thể không hiệu quả với người khác.

3 Hãy cùng gặp bác sĩ với bệnh nhân Parkinson của bạn

Ngay từ khi có những nghi ngờ, bạn có thể đưa người thân của bạn tới gặp bác sĩ. Việc đi cùng bệnh nhân sẽ rất có lợi. Bởi bạn có thể đặt ra những câu hỏi, ghi chép lại những gì bác sĩ chẩn đoán và dặn dò. Đồng thời, bạn hoàn toàn có thể đưa ra quan điểm của mình về các triệu chứng hoặc vấn đề mà người thân của bạn gặp phải mà họ không thể nói với bác sĩ. Ví dụ như sự rối loạn tâm trạng hoặc ngủ không ngon giấc.

Cách tốt nhất để không bị sót vấn đề gì khi gặp bác sĩ là bạn nên ghi chép nó lại và mang theo khi tới gặp bác sĩ điều trị. Bạn cũng cần ghi chép lại về việc sử dụng thuốc và tác dụng phụ của thuốc với người thân yêu của bạn.

4. Luôn cập nhật về bảo hiểm

Nếu người thân của bạn có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe tư nhân hoặc bảo hiểm nhân thọ thì bạn cần tìm hiểu kỹ những điều khoản bồi thường đối với căn bệnh Parkinson. Bạn sẽ cần biết chi tiết về hợp đồng bảo hiểm của bệnh nhân có bao gồm các đơn thuốc, các buổi trị liệu và các hạng mục không mong muốn khác hay không và ở mức độ nào.

5. Hãy quan sát người thân của bạn

Theo dõi những thay đổi về triệu chứng, khả năng và tâm trạng của bệnh nhân Parkinson.

Bạn cũng nên cẩn thận lưu ý sự thay đổi của người thân, đặc biệt là sau khi đổi thuốc hoặc liệu pháp điều trị. Bệnh nhân Parkinson vẫn có thể làm được nhiều việc mà họ đã làm trước đây, chẳng hạn như làm việc, làm mọi việc trong nhà, đi chơi với bạn hoặc với bạn bè và thực hiện các hoạt động bình thường.

Nhưng những khả năng đó có thể thay đổi mà người bệnh không phải lúc nào cũng có thể nhận ra hoặc chấp nhận ngay được. Ví dụ, họ không nên lái xe nữa, hoặc có nguy cơ bị ngã hoặc bị thương.

Thật khó để bạn nhắc nhở người bệnh về những điều mà họ không thể làm một cách an toàn. Lúc này bạn cần phải gặp chuyên gia tâm lý hoặc trị liệu để có cách tiếp cận và nhắc nhở người thân một cách hiệu quả nhất, không để họ cảm thấy tồi tệ.

6. Hãy kiên nhẫn và linh hoạt

Các triệu chứng của bệnh nhân Parkinson có thể thay đổi theo thời gian và thậm chí thay đổi hàng ngày. Bạn hãy kiên nhẫn và linh hoạt. Ví dụ bạn đã có kế hoạch để thực hiện một điều gì đó nhưng giờ mọi thứ không diễn ra như bạn mong muốn bởi một điều tồi tệ nào đó xảy ra.

Lúc này bạn hãy cố gắng cho người thân của bạn cơ hội tốt nhất có thể để thực hiện một số công việc một cách độc lập trước khi bạn bước vào và giúp họ giải quyết. Đừng vội vàng làm hết mọi việc cho bệnh nhân.

Ngoài ra bạn và người thân yêu của mình cần có sự thỏa thuận lại về nhiệm vụ của từng người để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

7. Kiểm soát chặt chẽ việc dùng thuốc của bệnh nhân Parkinson

Điều này rất quan trọng: Nếu người thân của bạn quên thuốc của họ, bệnh sẽ tiến triển nhanh và bệnh nhân sẽ không thể hoạt động tốt.

Để tránh việc bệnh nhân quên uống thuốc hoặc việc bạn phải nhắc nhở, cằn nhằn họ thì hai bạn hãy sử dụng một công cụ nào đó để giải quyết vấn đề này. Ví dụ như đặt nhắc việc trên điện thoại hoặc ghi vào lịch treo tường mà họ thường xem.

Uống thuốc kiên trì và đúng theo chỉ dẫn có thể tạo ra sự khác biệt trong cả cuộc sống và lối sống của người bệnh.

Có thể sau khi bắt đầu công việc và tìm hiểu, bạn sẽ phát hiện ra nhiều cách để khiến cho việc này trở nên dễ dàng hơn. Hãy cùng chia sẻ với những người chăm sóc khác về những kinh nghiệm đáng quý mà bạn có được.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về bệnh Parkinson cũng như những lời khuyên dành cho người chăm sóc bệnh nhân Parkinson trong những bài viết dưới đây:

  • 8 điều người chăm sóc bệnh nhân Parkinson cần nhớ (yaocare)
  • Chăm sóc bệnh nhân Parkinson như thế nào (yaocare)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *