Tháng Năm 16, 2021

1348 Lượt xem 0 Bình luận

Có lẽ đây là điều mà không ai mong muốn, nhưng khi nó đến thì chúng ta sẽ vẫn phải đối mặt. Đó là việc người thân yêu của bạn mắc bệnh Parkinson. Lúc này bạn sẽ phải trở thành người chăm sóc bệnh nhân một cách miễn cưỡng và bạn sẽ có nhiều việc phải làm hơn trước đây.

Những việc người chăm sóc bệnh nhân Parkinson phải làm

  • Bạn giúp duy trì chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân Parkinson
  • Bạn tự tìm hiểu kiến thức về các triệu chứng, cách điều trị và sự tiến triển của bệnh Parkinson
  • Bạn phải theo dõi các cuộc hẹn với bác sĩ, lịch uống thuốc và tập thể dục của bệnh nhân.
  • Bạn phải dành tình yêu và sự hỗ trợ cần thiết cho người thân của mình để đối mặt với những thách thức mà bệnh Parkinson mang tới.
  • Thực hiện việc thay đổi những thứ xung quanh để an toàn và phù hợp với tình trạng của bệnh nhân như: Thay đổi mọi thứ trong nhà, nhà tắm, phòng ngủ….

Bệnh nhân Parkinson cần lưu ý khi tắm gội vệ sinh

Bạn là một người chăm sóc bệnh nhân Parkinson. Vai trò bạn đã đảm nhận chắc chắn không phải là một việc dễ dàng. Các gợi ý sau đây sẽ cung cấp một số hướng dẫn về cách bạn có thể giúp người thân của mình.

Bí quyết để chăm sóc bệnh nhân Parkinson

Bạn hãy dành thời gian cho chính mình

Hãy chắc chắn rằng bạn có thời gian để thư giãn và giải tỏa những căng thẳng của mình.

Nếu cần, bạn hãy tranh thủ sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình hoặc thậm chí thuê ai đó hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc bệnh nhân Parkinson.

Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh Parkinson

Khi tìm hiểu tận tường về bệnh Parkinson, bạn sẽ hiểu những thay đổi có thể xảy ra trong hành vi hoặc triệu chứng của người thân để bạn biết cách giúp đỡ họ một cách tốt nhất khi những thay đổi đó xảy ra.

Hãy để người thân của bạn tham gia cùng bạn

Bạn đừng cố gắng làm mọi thứ cho bệnh nhân. Bạn hãy để họ tự hoàn thành các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo. Bạn cần phải kiên nhẫn vì bây giờ họ không thể làm mọi việc nhanh nhẹn như trước. Nhưng nếu họ có thể tự làm, tinh thần của bệnh nhân sẽ tốt hơn và hợp tác hơn.

Bàn bạc về tương lai

Mặc dù không dễ dàng để thảo luận về những chủ đề này, nhưng bạn vẫn cần hỏi ý kiến của người bệnh về những vấn đề của gia đình như: di chúc, giấy ủy quyền lâu dài…

Đặt mục tiêu thực tế cho bản thân và người thân của bạn

Bạn đừng cố gắng làm mọi thứ vượt quá khả năng. Bạn hãy đặt ra các mục tiêu có thể đạt được, bạn sẽ giúp bệnh nhân thành công hơn là thất vọng. Đừng kỳ vọng quá nhiều, điều đó sẽ khiến cả bạn và bệnh nhân bị căng thẳng.

Đừng để cuộc sống của bạn bị trì trệ

Bạn nên tiếp tục gặp gỡ bạn bè, tham gia vào các sở thích hoặc nhóm, và duy trì một thời gian biểu bình thường nhất có thể. Bạn sẽ không chỉ cảm thấy tràn đầy sinh lực hơn mà còn hạn chế cảm giác bực bội.

Hãy tìm một ai đó bạn có thể nói chuyện

Bạn ở đó để lắng nghe và hỗ trợ người thân, nhưng bạn cũng cần một người lắng nghe và chia sẻ với bạn. Nói chuyện cởi mở và trung thực với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Nếu không thể, hãy tham gia một nhóm hỗ trợ nào đó. Bạn hãy hiểu rằng bạn không đơn độc và có ai đó ngoài kia cũng ở trong hoàn cảnh tương tự sẽ giúp bạn cảm thấy có nghị lực hơn.

Những thách thức mà bệnh nhân Parkinson phải đối mặt

Có những thách thức bệnh nhân Parkinson phải đối mặt mà bạn cần biết. Khi nắm rõ những điều này bạn sẽ có sự chuẩn bị tinh thần, cảm thông và hỗ trợ họ được tốt hơn.

Bệnh có thể thay đổi theo từng ngày

Sẽ có những lúc người bệnh có thể hoạt động gần như bình thường và sau đó là những lúc khác khi họ sẽ phải phụ thuộc, họ cần sự giúp đỡ của bạn. Đây là một phần tự nhiên của bệnh. Nhưng nó có thể khiến người chăm sóc cảm thấy rằng người bệnh đang đòi hỏi một cách không cần thiết. Đôi khi bạn có thể nghĩ họ “giả vờ”.

Hãy nhớ rằng triệu chứng của Parkinson không thể đoán trước và mỗi ngày có thể sẽ là những thách thức mới cho bạn và người thân của bạn.

Parkinson là một rối loạn tiến triển

Bạn cần nhớ rằng bệnh Parkinson sẽ luôn tiến triển chứ không thể khỏi. Thuốc và phẫu thuật có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng của Parkinson nhưng chúng không ngăn được sự tiến triển của bệnh.

Trầm cảm cũng là một phần của căn bệnh này

Điều quan trọng là nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm để bạn có thể giúp người thân của mình tìm cách điều trị kịp thời. Bạn cần phải động viên, ủng hộ họ, tránh để họ cảm thấy tủi thân hoặc coi mình là gánh nặng cho gia đình.

Nếu chính bạn cũng đang cảm thấy chán nản và gặp khó khăn trong công việc bất đắc dĩ này thì việc bạn chăm sóc bản thân cũng quan trọng không kém.

Giao tiếp với bệnh nhân Parkinson

Bệnh Parkinson có thể làm cho người thân yêu của bạn rất khó giao tiếp bằng lời nói. Việc nói chuyện sẽ ít dần. Và điều đó cản trở việc bạn nắm bắt được nhu cầu của họ để kịp thời quan tâm, hỗ trợ.

Dưới đây là một số cách giúp bạn giao tiếp với bệnh nhân Parkinson dễ dàng hơn:

  • Nói chuyện trực tiếp với người thân của bạn. Nhìn họ khi họ đang nói.
  • Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, hãy hỏi những câu hỏi mà người thân của bạn có thể trả lời “có” hoặc “không”.
  • Lặp lại phần câu mà bạn đã hiểu. (Ví dụ: “Anh muốn em lên lầu và lấy cái gì?”)
  • Đề nghị người thân của bạn lặp lại những gì họ đã nói, hoặc yêu cầu họ nói chậm hơn hoặc đánh vần những từ mà bạn không hiểu.

Parkinson xuất hiện và khiến cho cuộc sống của người bệnh cũng như gia đình họ trở nên khó khăn hơn. Nhưng chúng ta vẫn phải sống và mọi thứ vẫn tiếp diễn. Vậy nên điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là bình tĩnh đối mặt với nhiệm vụ sắp tới. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin về bệnh Parkinson cũng như những kinh nghiệm hay được chia sẻ để chăm sóc người thân yêu của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *