Tháng Bảy 19, 2023

4964 Lượt xem 0 Bình luận

Chảy máu chân răng là tình trạng mà nướu hoặc các mô mềm xung quanh răng bị chảy máu khi chải răng, sử dụng chỉ nha khoa hoặc khi ăn nhai. Tình trạng này là một dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề về răng miệng và cần được xử lý ngay. Vậy chúng ta cần làm gì khi bị chảy máu chân răng để ngăn ngừa xảy ra các vấn đề nghiêm trọng hơn?

Nguyên nhân phổ biến gây chảy máu chân răng là gì?

Viêm lợi

Đây là tình trạng viêm nhiễm nướu, thường gây ra do vi khuẩn tích tụ thành mảng bám trên răng và nướu. Bệnh lý này thường xuất hiện khi không chăm sóc vệ sinh miệng đúng cách, bao gồm không chải răng và không sử dụng chỉ nha khoa đều đặn. Nó khiến bề mặt răng không được làm sạch và kích thích gây chảy máu. Nếu tình trạng viêm lợi càng nặng thì chảy máu chân răng càng nhiều.

Viêm lợi có thể là một trong số các nguyên nhân gây chảy máu chân răng

Viêm lợi có thể là một trong số các nguyên nhân gây chảy máu chân răng

Sâu răng

Sâu răng, nhất là sâu ở các kẽ răng, là bệnh lý khiến các thức ăn bị nhét ở các kẽ và ổ sâu. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm lợi. Nếu sâu răng tiến triển đến mức ảnh hưởng đến mô nướu và xương hàm, nó có thể gây chảy máu chân răng.

Sâu răng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm lợi

Sâu răng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm lợi

Chấn thương lợi

Chảy máu chân răng cũng có thể xảy ra sau một chấn thương miệng hoặc sau khi rút răng. Hoặc nguyên nhân gây chảy máu chân răng cũng có thể do lực chải răng mạnh, bàn chải quá cứng, dùng chỉ nha khoa sai cách,…

Chế độ ăn không lành mạnh

Chế độ ăn không lành mạnh có thể góp phần gây chảy máu chân răng. Ví dụ như: Vitamin C là một chất chống oxy hóa quan trọng trong việc duy trì sức khỏe nướu. Vì vậy khi chế độ ăn bổ sung không đủ lượng vitamin C cần thiết, có thể khiến nướu dễ bị tổn thương và chảy máu.

Ngoài ra, các đồ uống có gas và đường, hoặc các thức ăn giàu tinh bột sẽ tạo một môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công nướu. Từ đó làm tổn thương men răng và nướu, gây chảy máu chân răng.

Thiếu hụt vitamin K

Vitamin K là thành phần quan trọng trong quá trình đông máu và làm lành tổn thương. Khi thiếu vitamin K, các thành phần đông máu không được tạo thành đủ để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Từ đó làm tăng nguy cơ chảy máu, và trong đó có chảy máu chân răng.

Các bệnh lý về gan

Gan là một cơ quan lớn thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, trong đó có chức năng đông máu. Khi mắc các bệnh lý về gan thì chức năng gan cũng bị suy giảm. Từ đó gây ra nhiều vấn đề khác trong cơ thể và dẫn đến các hệ lụy, trong đó có chảy máu chân răng.

Các cách xử lý khi bị chảy máu chân răng

Xác định nguyên nhân gây chảy máu chân răng

Xác định nguyên nhân khi bị chảy máu chân răng là rất quan trọng để có thể điều trị một cách hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng này tái diễn. Ví dụ như khi chảy máu chân răng là do chế độ ăn không lành mạnh, các bạn có thể xử lý bằng việc điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Tuy nhiên, khi bị chảy máu chân răng do các bệnh lý về gan, các bạn phải đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay để điều trị tận gốc bệnh.

Thăm khám bác sĩ

Việc điều trị triệu chứng chỉ làm giảm tạm thời tình trạng chảy máu chân răng chứ không giải quyết được triệt để các nguyên nhân. Vì vậy, thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác và các điều trị phù hợp với từng trường hợp là rất cần thiết. Bác sĩ có thể chỉ định điều trị các răng sâu khi bị sâu răng, hoặc lấy cao răng khi bị nhiều mảng bám. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nhổ các răng mọc lệch khiến lợi bị tổn thương.

Các biện pháp phòng tránh chảy máu chân răng

Giữ vệ sinh răng miệng

Các bạn phải chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 2-3 phút bằng bàn chải mềm mịn để tránh làm tổn thương lợi. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên thay bàn chải mỗi 3-4 tháng để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất khi chải răng.

Ngoài ra, các bạn có thể dùng các công cụ hỗ trợ để làm sạch các khoảng trống và kẽ răng như: Tăm nước, chỉ nha khoa,…

Làm sạch răng đúng cách để hạn chế chảy máu chân răng

Làm sạch răng đúng cách để hạn chế chảy máu chân răng

Lấy cao răng định kỳ

Việc lấy cao răng định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần là rất cần thiết để loại bỏ các mảng bám trên răng. Từ đó hạn chế thức ăn bị tích tụ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm lợi và chảy máu chân răng.

Sử dụng nước súc miệng

Súc miệng bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày để làm sạch răng miệng, làm chắc răng và cải thiện men răng. Từ đó hạn chế được tình trạng chảy viêm lợi và chảy máu chân răng.

Điều chỉnh chế độ ăn

Các bạn nên tránh ăn những thức ăn cứng, cay, và nhai mạnh. Đồng thời, hãy hạn chế tiêu thụ đồ uống có gas, đường và các loại thức ăn giàu tinh bột. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm giàu vitamin C và vitamin K, bao gồm: Cam, kiwi, dứa, cà chua, rau cải xanh,…nên được bổ sung vào thực đơn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe răng miệng.

Tránh hút thuốc lá

Thành phần của thuốc lá và các chất gây nghiện khác có thể gây tổn thương lợi. Từ đó tăng nguy cơ viêm lợi và chảy máu chân răng.

Thăm khám các sĩ

Các bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa định kỳ để có thể phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Việc điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp mọi vấn đề được giải quyết dễ dàng hơn và hạn chế tình trạng nặng hơn của bệnh.

Thăm khám bác sĩ định kỳ là cần thiết để hạn chế các vấn đề về răng miệng

Thăm khám bác sĩ định kỳ là cần thiết để hạn chế các vấn đề về răng miệng

Tóm lại, khi gặp các vấn đề về răng miệng, trong đó có chảy máu chân răng, các bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn những cách xử lý phù hợp và rút ngắn được thời gian điều trị bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *