Tháng Mười 1, 2021

2510 Lượt xem 0 Bình luận

Lý do khiến bệnh cao huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” là bởi bạn không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào. Trên thực tế, đến ⅓ số bệnh nhân cao huyết áp không biết mình bị bệnh. Đó là lý do bạn không nên bỏ qua bài viết của chúng tôi nếu bạn đã ngoài 40 tuổi – độ tuổi bắt đầu có nguy cơ cao huyết áp.

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực để đẩy máu lên thành động mạch. Động mạch đưa máu từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể. Trong một ngày, huyết áp của bạn tăng giảm liên tục trong phạm vi nhất định.

Ý nghĩa của các chỉ số huyết áp

Khi đo huyết áp, bạn thấy hai chỉ số và có thể bạn không hiểu ý nghĩa của các chỉ số đó phải không? Đừng ngại ngùng bởi rất nhiều người cũng không biết như bạn.

  • Con số đầu tiên, được gọi là huyết áp tâm thu: đây là chỉ số đo áp suất trong động mạch khi tim đập.
  • Con số thứ hai, được gọi là huyết áp tâm trương: đây là chỉ số đo áp lực trong động mạch của bạn khi tim bạn nghỉ giữa các nhịp đập.

Nếu kết quả đo là 120 tâm thu và 80 tâm trương, người ta sẽ nói huyết áp của bạn là “120 trên 80” và viết là “120/80 mmHg”.

Huyết áp bao nhiêu là bình thường?

Nếu bạn chỉ số huyết áp ở dưới 120/80 mmHg thì đó là mức bình thường.

Để huyết áp luôn ở mức bình thường, bạn có thể từng bước thay đổi lối sống lành mạnh hàng ngày cho dù bạn đang ở độ tuổi nào.

Bệnh cao (tăng) huyết áp là gì ?

Khi huyết áp của bạn cao hơn mức bình thường (120/80 mmHg) thì gọi là cao huyết áp hoặc tăng huyết áp. Huyết áp của bạn thay đổi liên tục trong ngày tùy thuộc vào hoạt động của bạn. Việc theo dõi huyết áp thường xuyên sẽ giúp bạn chẩn đoán được bệnh cao huyết áp.

Chỉ số huyết áp của bạn càng cao, bạn càng có nhiều nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như: bệnh tim, đau tim, đột quỵ.

Triệu chứng của bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp rất nguy hiểm bởi vì bạn sẽ không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu nhận biết sớm nào nếu như bạn không đo huyết áp thường xuyên. Nhưng may mắn thay, các thiết bị đo huyết áp tại nhà hiện nay rất phổ biến, dễ dùng và giá cả phải chăng. Khi bạn hoặc người thân thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn cần theo dõi huyết áp định kỳ để có thể phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.

Các triệu chứng của huyết áp cao nghiêm trọng

Tuy không có dấu hiệu nhận biết sớm bệnh cao huyết áp nhưng khi huyết áp bạn lên cao ở mức nghiêm trọng, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng sau:

  • Đau đầu dữ dội
  • Chảy máu cam
  • Mệt mỏi hoặc bị lẫn
  • Thị lực kém
  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Nhịp tim không đều
  • Có máu trong nước tiểu

Một số triệu chứng khiến bạn dễ tưởng nhầm mình bị tăng huyết áp nhưng đây là dấu hiệu của bệnh khác như: chóng mặt, lo lắng, đổ mồ hôi, khó ngủ, đỏ bừng mặt, đốm máu trong mắt.

Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp thường phát triển theo thời gian, khi tuổi của bạn ngoài 40 và có lối sống không lành mạnh: ăn mặn, không hoạt động thể chất thường xuyên, căng thẳng kéo dài hoặc do bạn mắc một số căn bệnh khác như tiểu đường, béo phì hay trong thai kỳ.

Có nhiều nguyên nhân khiến huyết áp của bạn tăng, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát huyết áp của mình để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến tim, não, thận, mắt bằng cách xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, không căng thẳng.

Hậu quả của tăng huyết áp

Huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn theo nhiều cách khác nhau. Nó là sự khởi đầu nguy hiểm đối với các cơ quan quan trọng như tim, não, thận và mắt của bạn. Chính vì thế, việc kiểm soát huyết áp tại nhà là rất cần thiết để tránh các hậu quả nghiêm trọng.

Các bệnh tim mạch

Bệnh cao huyết áp có thể khiến các động mạch của bạn kém đàn hồi, giảm lưu lượng máu và oxy đến tim dẫn đến các bệnh về tim mạch. Khi lưu lượng máu đến tim giảm có thể gây ra một số hiện tượng:

  • Đau ngực hay còn gọi là đau thắt ngực.
  • Đau tim, xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến tim của bạn bị tắc nghẽn và cơ tim bắt đầu chết vì không có đủ oxy. Càng để lâu dòng máu bị tắc nghẽn, tổn thương tim càng lớn.
  • Suy tim , tim quá yếu không thể bơm máu và oxy đến các cơ quan khác của cơ thể.
Đột quỵ và các bệnh về não

Khi huyết áp tăng cao có thể làm cho các động mạch cung cấp máu và oxy cho não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn khiến tế bào não chết vì không nhận đủ oxy và gây ra cơn đột quỵ. Sau đột quỵ, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, khả năng nói, cử động và các hoạt động cơ bản khác, thậm chí một cơn đột quỵ có thể giết chết bạn.

Đặc biệt ở tuổi trung niên, huyết áp cao thường liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức trong cuộc sống của người cao tuổi.

Bệnh thận

Những người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao đều có nguy cơ phát triển bệnh thận mãn tính hơn những người cao tuổi khác.

Làm cách nào để biết mình bị bệnh cao huyết áp?

Chỉ có một cách để biết bạn có bị cao huyết áp hay không chính là đo huyết áp. Đo huyết áp là cách kiểm tra đơn giản, nhanh chóng và không gây đau đớn. Hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ bởi vì nó thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo và mọi người đa phần không biết mình mắc bệnh.

Phòng ngừa và kiểm soát huyết áp tại nhà như nào?

Rất nhiều người được chẩn đoán cao huyết áp đã có thể giảm chỉ số của họ xuống mức an toàn bằng cách thay đổi lối sống. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn kiểm soát được huyết áp cũng như phòng ngừa huyết áp cao:

  • Hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần (khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần).
  • Không hút thuốc.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm hạn chế natri (muối) và rượu.
  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Hạn chế căng thẳng.
  • Tắm nước nóng để giảm huyết áp.

Ngoài việc tạo ra cho mình một lối sống tích cực, bệnh nhân cao huyết áp có thể cần sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu như không tự kiểm soát được huyết áp của mình.

Xem thêm: 10 cách kiểm soát huyết áp cao không cần dùng thuốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *