Tháng Năm 11, 2022

5020 Lượt xem 0 Bình luận

Đau dây thần kinh liên sườn là gì? Đây là tình trạng đau các rễ thần kinh phát sinh từ tủy sống, ngay dưới xương sườn và nó lan tỏa khắp thành ngực và phía thân trên. Người ta còn gọi đau dây thần kinh liên sườn là đau thành ngực. Cơn đau này có thể khiến người bệnh bất động, tạo ra nhiều bất tiện trong cuộc sống. Nếu không điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân lo lắng, trầm cảm.

Các triệu chứng của đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn sẽ có cảm giác đau ở vùng khung xương sườn, nó khiến họ có cảm giác như dao đâm, cảm giác đau nhức, bỏng rát hoặc co thắt đến mức không thể cử động được.

Cơn đau có thể lan ra toàn bộ ngực hoặc từ lưng về phía ngực, có lúc lại đau dọc theo chiều dài xương sườn. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột và dữ dội ở các thời điểm khác nhau, chủ yếu khi bạn hoạt động như: nâng vật gì đó, xoay và vặn mình, ho, cười hoặc hắt hơi.

Ngoài ra, bệnh nhân đau dây thần kinh liên sườn còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác:

  •  Đau bụng.
  • Sốt.
  • Ngứa.
  • Tê.
  • Ngứa ran.
  • Lưng và vai vận động khó khăn.
  • Cánh tay, vai hoặc lưng có cảm giác đau.

Khi nào bạn cần tới gặp bác sĩ

Đôi khi cơn đau xương sườn khiến bạn suy nhược và cảm thấy khó thở lại là dấu hiệu của một tình trạng khẩn cấp, ví dụ như đau tim. Chính vì thế nếu bạn đau ngực dữ dội kèm theo một số triệu chứng khác dưới đây thì cần gọi cấp cứu ngay lập tức:

  • Đau ngực hoặc xương sườn lan ra cánh tay trái, hàm, vai hoặc lưng.
  • Căng tức ngực.
  • Ho ra chất nhầy có màu vàng xanh.
  • Tim đập nhanh hoặc có cảm giác hồi hộp lo âu.
  • Thở khó khăn hoặc không thể hít thở sâu.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Khi thở hoặc ho cảm thấy đau ngực.
  • Nếu người thân của bạn bị chóng mặt đột ngột hoặc mất phản ứng, bất tỉnh, thay đổi ý thức thì cần đưa tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân của đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Hiện tượng đau dây thần kinh liên sườn là do các dây thần kinh bị viêm hoặc bị kích thích và bị chèn ép. Điều này có thể do một số tình trạng sức khỏe khác gây ra như:

  • Vùng ngực bị chấn thương, ví dụ gãy xương sườn hoặc va đập ngực mạnh.
  • Dây thần kinh bị nhiễm virus (zona thần kinh).
  • Viêm dây thần kinh hoặc một nhóm dây thần kinh nào đó.
  • Biến chứng sau phẫu thuật liên quan đến lồng ngực.
  • Xuất hiện khối u chèn lên các dây thần kinh liên sườn.
  • Cơ ở thành ngực, vai hoặc lưng bị kéo căng.

Cũng có một số trường hợp đau dây thần kinh liên sườn mà không thể tìm ra nguyên nhân nên không thể điều trị tận gốc rễ của bệnh. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi và điều trị bằng vật lý trị liệu.

Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau dây thần kinh liên sườn

Những yếu tố khiến bạn có nguy cơ đau dây thần kinh liên sườn là gì? Chúng có thể là:

  • Nhiễm virus varicella-zoster , virus gây thủy đậu và zona.
  • Tham gia các hoạt động thể chất nguy hiểm, rủi ro cao, dễ ngã như trượt tuyết, đá bóng, đua xe…
  • Tai nạn xe cộ dẫn đến chấn thương xương sườn hoặc thần kinh liên sườn.
  • Bệnh nhân viêm khớp.

Phương pháp chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Đa phần chúng ta khi bị đau phần xương sườn lan đến vùng ngực đều nghĩ rằng mình bị đau tim nên sẽ tới khám. Bác sĩ sẽ khám tổng thể và khu vực có các dây thần kinh liên sườn và xác định mức độ đau bằng cách ấn nhẹ vào sườn của người bệnh.

Để loại trừ những bệnh khác có cùng triệu chứng đau ngực, đau xương sườn, đau lưng thì việc xét nghiệm để tìm nguyên nhân và chẩn đoán đúng nguyên nhân gây đau khu vực lồng ngực là điều cần thiết. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện như: chụp x-quang ngực, kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh để đánh giá tổn thương, điện cơ, siêu âm cơ xương.

Ngoài ra nếu người bệnh có bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim thì bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng tim. Các phương pháp kiểm tra chức năng tim như: kiểm tra nhịp tim khi người bệnh tập thể dục, hoạt động gắng sức, lượng máu cung cấp cho các động mạch có giảm hay không, điện tâm đồ, siêu âm tim và xét nghiệm máu để đo men tim.

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Việc điều trị bệnh đau dây thần kinh liên sườn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp triệu chứng sẽ hết mà không cần điều trị.

Một số phương pháp điều trị phổ biến như tiêm thuốc gây tê cục bộ hoặc corticosteroid quanh dây thần kinh bị đau, sử dụng thuốc giảm đau, phẫu thuật, thuốc mỡ giảm đau…theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn một số liệu pháp vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu để giảm đau. Nếu tình trạng đau dây thần kinh liên sườn giảm bớt thì sẽ không cần phải sử dụng tới thuốc.

Chăm sóc bệnh nhân đau dây thần kinh liên sườn tại nhà

  • Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh vận động và mang vác nặng.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Luyện tập các bài tập nhẹ nhàng dành cho đau dây thần kinh liên sườn.
  • Trong hoàn cảnh không thể vận động dễ dàng, người bệnh cần được tắm gội bằng sữa tắm khô và dầu gội đầu khô để giảm thiểu đau đớn.
  • Bệnh nhân cũng nên ăn thức ăn dễ tiêu, dễ nhai trong thời gian bệnh bùng phát.
  • Không nên khiến bệnh nhân xúc động: khóc, cười, lo lắng vì chúng sẽ gây đau đớn.

Để phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn, tốt nhất bạn cần bảo vệ và tránh những va chạm mạnh đối với xương sườn và khu vực lân cận: không tham gia các trò chơi mạo hiểm, đội mũ bảo hiểm và kiểm soát tốc độ khi lái xe. Ngoài ra, triệu chứng của mỗi người là khác nhau, bạn cần đi khám để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn.

Xem thêm: Tự tập thể dục tại nhà có phải là một phần của vật lý trị liệu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *