Tháng Chín 28, 2022

12613 Lượt xem 0 Bình luận

Sang chấn tâm lý là gì?

Sang chấn tâm lý là phản ứng của một ai đó với một tình huống căng thẳng, khủng khiếp khiến gây ảnh hưởng nặng nề đến cả thể chất lẫn cảm xúc. Ví dụ: chiến tranh, thiên tai, tai nạn, hiếp dâm…Tuy nhiên không phải ai trải qua sự kiện đau buồn cũng bị sang chấn tâm lý và bạn cũng có thể bị sang chấn tâm lý với bất kỳ chuyện gì khiến bạn cảm thấy bị đe dọa về thể chất lẫn tinh thần. Triệu chứng của sang chấn tâm lý thường diễn ra trong vài tuần nhưng cũng có nhiều trường hợp kéo dài trong vài năm, điều này tùy thuộc vào sức khỏe tâm thần của từng cá nhân.

Một người bị sang chấn tâm lý có thể có nhiều loại cảm xúc khác nhau, những cảm xúc này không xuất hiện cùng một lúc mà theo thời gian. Ví dụ một người khi bị tổn thương có thể cảm thấy tức giận, sốc, choáng ngợp vì họ chưa từng trải qua, nhưng sau một thời gian họ lại cảm thấy có lỗi hoặc đổ lỗi. Chính vì thế mà các cảm xúc của bệnh nhân bị sang chấn tâm lý cần phải được theo dõi và xử lý dứt điểm càng sớm càng tốt.

Không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, sang chấn tâm lý cũng gây ra các triệu chứng về thể chất khiến sức khỏe của người bệnh giảm sút. Về lâu dài, những chấn thương tâm lý này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ phát triển thành các rối loạn tâm thần sau chấn thương.

Các loại sang chấn tâm lý là gì

Sang chấn tâm lý được chia làm 3 loại tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh:

  • Sang chấn tâm lý cấp tính: đây là kết quả của một tình huống căng thẳng, nguy hiểm đột ngột xảy ra đầy bất ngờ.
  • Sang chấn tâm lý mãn tính: đây là kết quả của những tình huống gây căng thẳng cao độ và lặp đi lặp lại. Ví dụ như: bạo lực gia đình, lạm dụng.
  • Sang chấn phức tạp: đây là kết quả của tổng hợp nhiều tình huống căng thẳng khác nhau và tạo ra nhiều cảm xúc hỗn loạn.

Triệu chứng của sang chấn tâm lý là gì

Các triệu chứng của sang chấn tâm lý là gì và nó ảnh hưởng như nào đến cuộc sống của người bệnh là vấn đề tiếp theo chúng ta cần tìm hiểu.

Sang chấn tâm lý có các biểu hiện từ nhẹ đến nặng và nó phụ thuộc vào một số yếu tố của người bị ảnh hưởng như:

  • Đặc điểm về tính cách, hoàn cảnh, sức khỏe của người bệnh.
  • Dấu hiệu các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.
  • Các sự kiện đau buồn trước đó của họ.
  • Các loại tình huống căng thẳng mà họ gặp trước đó.
  • Cách mà người bệnh xử lý và cảm xúc của họ đối với các tình huống căng thẳng.
Phản ứng của cảm xúc và tâm lý của bệnh nhân sang chấn tâm lý

Sau khi tiếp nhận sự kiện căng thẳng xảy ra đối với mình thì cảm xúc của bệnh nhân sang chấn tâm lý là gì? Đó có thể là những phản ứng mang tính tiêu cực, bi quan, nhưng có những người lại có tâm lý bình thản và chấp nhận. Tuy nhiên, đa phần chúng ta sẽ có những phản ứng phổ biến như:

  • Không muốn chấp nhận sự thật rằng điều không hay đó đã xảy ra với họ.
  • Phẫn nộ, tức giận và cảm thấy bất công.
  • Sợ hãi.
  • Cảm thấy xấu hổ, tự ti.
  • Sầu đau, lo ngại, phiền muộn.
  • Cảm thấy vô vọng, hoang mang.
  • Cảm thấy tội lỗi, tự trách bản thân.
  • Cáu gắt với tất cả mọi người.
  • Không thể tập trung làm bất kể việc gì.

Đa phần những người gặp sang chấn tâm lý đều muốn trốn tránh, cô lập mình với mọi người và khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc. Họ có xu hướng nghĩ về quá khứ, bị ám ảnh bởi sự kiện đau buồn và thường xuyên gặp ác mộng, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các rối loạn tâm thần khác như hoang tưởng, trầm cảm, rối loạn lo âu, sử dụng chất kích thích….

Phản ứng về thể chất khi gặp sang chấn tâm lý là gì

Khi gặp các sự kiện đau buồn, chúng ta không chỉ có những phản ứng tâm lý, cảm xúc mà sự căng thẳng còn ảnh hưởng đến thể chất, gây ra những tác động vật lý lên cơ thể.

Một số phản ứng của cơ thể về thể chất khi ai đó gặp chấn thương tâm lý như: đau đầu, rối loạn tiêu hóa, luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực, tim đập nhanh, đổ nhiều mồ hôi, hay giật mình, mất ngủ….

Một số tình huống gây sang chấn tâm lý

Những tình huống hay hoàn cảnh gây ra sang chấn tâm lý là gì? Đó là những hành động bạo lực, những sự kiện đau thương bất ngờ hoặc những điều mà bạn không mong muốn xảy ra như:

  • Thường xuyên bị bắt nạt.
  • Bị quấy rối tình dục.
  • Bị lạm dụng thân thể, tâm lý hoặc lạm dụng tình dục.
  • Bị hiếp dâm.
  • Bị tai nạn giao thông.
  • Bị bắt cóc.
  • Bị khủng bố.
  • Chiến tranh.
  • Thiên tai.

Những sự kiện đau buồn có thể xuất hiện một lần hoặc lặp đi lặp lại khiến ai đó bị sang chấn tâm lý, và họ cũng có thể gặp chấn thương tâm lý khi chứng kiến tình huống căng thẳng xảy ra đối với người khác.

Mỗi người có một phản ứng khác nhau trước các tình huống đau buồn. Ví dụ cùng trải qua chiến tranh hay thiên tai nhưng mọi người có những cảm xúc và cách xử lý khác nhau.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý là gì- PTSD

Khi các triệu chứng sang chấn diễn ra trong thời gian dài với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng sau những gì đau thương đã xảy ra thì bệnh nhân có thể phát triển tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý, gọi tắt là PTSD. Hiện tượng này không những gây cảm giác khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như các mối quan hệ của họ.

PTSD có triệu chứng phổ biến là tâm trạng lo lắng thái quá, luôn hồi tưởng về quá khứ và bị ám ảnh bởi sự kiện căng thẳng đã diễn ra. Một triệu chứng khác của PTSD là hành vi trốn tránh, không chấp nhận sự thật, cố gắng không nghĩ đến những gì đã diễn ra hoặc tránh gặp phải những tác nhân gây ra sự kiện. Ngoài ra người bệnh cũng khá nhạy cảm với những gì xảy ra xung quanh: lời nói, hành động của người khác cũng khiến họ suy nghĩ và dễ cáu gắt, phản ứng tiêu cực.

Bệnh nhân PTSD có thể được điều trị để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng thời gian điều trị thường kéo dài trong nhiều năm.

Những người có nguy cơ phát triển rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý như:

  • Gặp sang chấn tâm lý khác trước đó.
  • Sau sự kiện căng thẳng xảy ra họ bị đau đớn về thể chất.
  • Không được hỗ trợ nhiều sau sang chấn tâm lý.
  • Bệnh nhân sang chấn tâm lý đồng thời phải chịu các áp lực căng thẳng khác như tài chính khó khăn.
  • Có tiền sử bệnh rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

Bài viết liên quan: Rối loạn tâm thần ở người cao tuổi

Sang chấn tâm lý thời thơ ấu là gì

Các nghiên cứu đều cho thấy trẻ em dễ bị sang chấn tâm lý hơn người trưởng thành vì não còn yếu. Khi trẻ trải qua những sự kiện khủng khiếp khiến tinh thần căng thẳng và tiết ra các hormone liên quan đến sợ hãi, hoảng loạn và có thể phá vỡ đi sự phát triển bình thường của não.

Do đó, nếu trẻ bị sang chấn tâm lý liên tục có thể sẽ bị ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe tâm thần, cảm xúc, thể chất và hành vi và chúng có thể sẽ đi cùng trẻ cho đến những năm tháng trưởng thành.

Chăm sóc bệnh nhân sang chấn tâm lý

Bệnh nhân bị sang chấn tâm lý cần được điều trị để kiểm soát triệu chứng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như các mối quan hệ xã hội của họ. Vậy các biện pháp chăm sóc bệnh nhân sang chấn tâm lý là gì? Đừng ngần ngại đọc tiếp bài viết của chúng tôi.

Các liệu pháp trị liệu
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: là liệu pháp giúp người bệnh thay đổi cách suy nghĩ về những điều đã xảy ra, từ đó có ảnh hưởng tích cực hơn đến hành vi và cảm xúc của họ.
  • Liệu pháp EMDR giúp giảm lo âu nhờ chuyển động của mắt. Đây là liệu pháp dựa vào sự chuyển động của mắt để giúp giảm lo âu, đau buồn một cách hiệu quả. Khi điều trị bằng liệu pháp EMDR, người bệnh sẽ tập trung hồi tưởng tóm tắt lại những điều căng thẳng đã xảy ra với họ trong khi nhà trị liệu sẽ yêu cầu mắt họ chuyển động theo hướng dẫn.
  • Liệu pháp soma: là sự tác động lên cơ thể để giúp ích cho sức khỏe tâm thần, cảm xúc của người bệnh. Liệu pháp soma có thể bao gồm:

-Trải nghiệm: các nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh hồi tưởng lại những ký ức đau buồn và phản ứng với chúng một cách an toàn.

-Liệu pháp tâm vận động: là cách kết hợp liệu pháp tâm lý với những tác động lên cơ thể để giúp biến những ký ức căng thẳng thành sức mạnh.

-Bấm huyệt: nhà trị liệu sẽ tác động vào một số huyệt đạo trên cơ thể để tạo ra cảm giác thư giãn.

Thuốc men

Thuốc không phải là cách để chữa khỏi sang chấn tâm lý hoặc PTSD nhưng nó giúp người bệnh giảm lo âu, trầm cảm, mất ngủ. Đây đều là những thuốc cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ để có thể sử dụng an toàn.

Tự chăm sóc

Thay đổi lối sống, tự mình chăm sóc bản thân, suy nghĩ tích cực sẽ giúp bệnh nhân xử lý hiệu quả đối với các triệu chứng sang chấn tâm lý. Một số cách giúp người bệnh tự chăm sóc bản thân như:

  • Tập thể dục: người bệnh cần cố gắng tự tập thể dục tại nhà ít nhất 30 phút một ngày có thể giúp người bệnh kiểm soát được phản ứng gây hấn hoặc chạy trốn của cơ thể.
  • Chánh niệm: chánh niệm giúp con người tập trung vào hiện tại, ngăn họ hồi tưởng lại những điều đau buồn trong quá khứ.
  • Giao tiếp xã hội

Triệu chứng phổ biến của sang chấn tâm lý là trốn tránh, cô lập khỏi các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, sự chia sẻ và quan tâm của người thân và bạn bè là điều vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân sang chấn tâm lý.

Không nhất thiết người bệnh phải nói về những tổn thương họ đã trải qua nếu điều đó quá khó khăn, chỉ cần tương tác với ai đó cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng của họ.

  • Một lối sống lành mạnh, cân bằng

Người bệnh có thể cảm thấy khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, tuy nhiên chế độ ăn, ngủ, thư giãn và vận động có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần. Chính vì thế, bệnh nhân bị sang chấn tâm lý cần:

  1. Ngủ đủ giấc từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.
  2. Ăn uống đủ chất, lành mạnh.
  3. Không sử dụng chất kích thích như rượu và ma túy.
  4. Tham gia các hoạt động mà mình yêu thích để giảm căng thẳng.

Kết luận

Đa phần mọi người rồi sẽ trải qua một sự kiện đau thương vào một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên phản ứng của mỗi người sẽ khác nhau và triệu chứng sang chấn tâm lý cũng khác nhau và hầu hết sẽ hồi phục trong thời gian ngắn. Chỉ có số ít người có triệu chứng sang chấn tâm lý kéo dài nhiều năm và dẫn đến sự phát triển của PTSD. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị và việc tự chăm sóc bản thân theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *